Chọn ngôn ngữ
EnglishVietnamese
Hotline chăm sóc khách hàng 0906999492
Chọn ngôn ngữ
EnglishVietnamese

Chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên- Những “khoảng trống” cần lấp đầy

Yêu, quan hệ tình dục, thậm chí là sinh con khi mới 14-15 tuổi không phải là hiếm ở các huyện miền núi và ngay cả ở đồng bằng. Những “khoảng trống” chưa được lấp đầy trong nhận thức cũng như dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho người chưa thành niên đang đem lại nhiều hệ lụy cho bản thân họ và cộng đồng .

Những câu chuyện buồn

Tại cuộc hội thảo về Dịch vụ sức khỏe sinh sản thân thiện với các nhóm thanh niên đặc thù dễ bị tổn thương do Vụ Sức khỏe bà mẹ-Trẻ em kết hợp với Trung tâm sáng kiến sức khỏe và dân số (CCIHP) ngày 30/6 tại Hà Nội, bác sĩ Phạm Vũ Thiên ( CCIHP) đã cho biết: Ở vùng núi, vùng dân tộc thiểu số tình trạng kết hôn sớm, có thai sớm rất phổ biến. Gần 29,5% vị thành niên người dân tộc tuổi từ 15-19 đã lập gia đình, tỷ lệ này ở người Kinh là 6,5%. Tỷ lệ nữ vị thành niên từ 15-19 tuổi đã có con ở miền núi Tây Bắc là 107/1000 ( trong khi tỷ lệ chung trên toàn quốc là 23/1000).

Nhân viên y tế tư vấn cho một trường hợp có thai ở tuổi 17 ( Nguồn ảnh CCIHP)

Súa là một phụ nữ  dân tộc Mông, 20 tuổi. Em lấy chồng năm 15 tuổi và sinh con lúc 16 tuổi. Vào thời điểm nhóm nghiên cứu tiếp cận phỏng vấn, Súa đã có 3 con và đang mang thai đứa con thứ tư. Súa và chồng đều nghỉ học trước khi tốt nghiệp lớp 9 và không được giáo dục về sức khỏe sinh sản (SKSS) tại trường học hay cộng đồng, cũng như không biết gì về các biện pháp tránh thai.  Hai vợ chồng cũng không đi khám thai và chăm sóc thai nghén ở trạm y tế vì kinh tế khó khăn, không có phương tiện đi lại.

Trường hợp của Súa không phải là cá biệt. Nghiên cứu tìm hiểu tại trường THCS Chiềng Hặc (huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La), giáo viên ở đây cho biết, họ đã quen với tình trạng mỗi năm có từ 1- 3 học sinh bỏ học cưới vợ, cưới chồng, có em cưới từ khi học lớp 7 ( tức là mới 12-13 tuổi) và nhiều trường hợp các em cưới khi học xong lớp 9. Có em học sinh hồn nhiên kể: Chị em 16 tuổi, học xong lớp 9 thì nghỉ học để cưới chồng, khi cưới chị đã có thai 3 tháng rồi. Nhiều trường hợp vì có thai phải làm đám cưới và sinh con, lại có trường hợp nạo phá thai hoặc sống vợ chồng một thời gian, nhưng do có xung đột nên người mẹ trẻ phải sinh con một mình.

Những khoảng trống đáng lo ngại

Đó là khoảng trống trong nhận thức của các em về SKSS và tình dục, là trình độ kỹ năng tư vấn của nhân viên y tế, hoạt động giáo dục giới tính, SKSS- tình dục tại nhà trường và cộng đồng...

Nghiên cứu phỏng vấn học sinh tại 6 trường THCS  thuộc  huyện Thuận Châu, Yên Châu, tỉnh Sơn La với 56 học sinh lớp 7-8. 100% học sinh được hỏi không biết chính xác thời điểm dễ mang thai trong chu kỳ kinh nguyệt. 90% có thể liệt kê được 1-2 biện pháp tránh thai phổ biến như bao cao su, thuốc tránh thai nhưng 100% không giải thích được cơ chế và cách sử dụng các biện pháp tránh thai này. Chỉ duy nhất  1/56 vị thành niên được hỏi đã từng  “trực tiếp chạm vào bao cao su” chứ không phải chỉ “nghe nói đến”.

Các em vị thành niên được hỏi đều cho rằng dịch vụ tránh thai, SKSS là của người trưởng thành . Nếu có vấn đề gì các em cũng ngại tiếp cận dịch vụ SKSS tại cơ sở y tế , đặc biệt là trạm y tế xã, bởi vì sợ bị nhận ra là “ con/cháu nhà ai”  và gặp "rắc rối" khi cán bộ y tế phần lớn là người địa phương.

BS. Phạm Vũ Thiên- Trung tâm sáng kiến sức khỏe và dân số trình bày kết quả nghiên cứu tại hội thảo

Hoạt động truyền thông về SKSS-tình dục vị thành niên còn rất hạn chế. Tại trường học, mỗi năm học có  tổ chức 1 cuộc  nói chuyện chuyên đề của cán bộ dân số xã thực hiện và hoạt động này còn tùy  theo nguồn lực và kế hoạch của trên ( mà thường là không có kinh phí).Trạm y tế xã không thực hiện hoạt động tư vấn/cung cấp dịch vụ SKSS vị thành niên. Bản thân nhân viên y tế xã cũng khó khăn trong việc thực hiện hoạt động này do “ nói thì các em gật nhưng không làm theo” và bản thân cũng thấy “tư vấn khó khăn lắm... vì không được học về tư vấn SKSS cho vị thành niên, không được học về dịch vụ thân thiện cho vị thành niên nó nên như thế nào và ở trạm cũng không triển khai dịch vụ cho vị thành niên”.

Thậm chí, nhân viên y tế còn không biết về các nhóm vị thành niên đặc biệt và nhu cầu chăm sóc sức khỏe sinh sản (CS SKSS) : "Chúng em không biết người đồng tính, người chuyển giới là nhóm nào...còn người khuyết tật thì nói chung là họ ít có nhu cầu về SKSS, vì tình trạng của họ quá khó khăn". Với nhóm vị thành niên, thanh niên đặc thù này, thái độ kỳ thị, định kiến sai lầm của cộng đồng là một rào cản rất lớn để họ có thể tiếp cận với những dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản an toàn, thân thiện.

Cần làm gì để thay đổi?

Theo bà Hà Tú Anh- Phó Giám đốc CCIHP, các vấn đề bất cập trong giáo dục giới tính vị thành niên dường như đã tồn tại quá lâu. Nếu giáo dục giới tính được làm tốt trong cộng đồng sẽ góp phần làm giảm gánh nặng cho chăm sóc y tế, giảm các vấn đề xã hội. “ Cần thay giáo dục giáo điều, lý thuyết bằng thực hành kỹ năng, để hiểu biết về SKSS, tình dục biến thành năng lực”-Bà Hà Tú Anh nhấn mạnh.

Cũng theo bác sĩ Phạm Vũ Thiên , chúng ta đang rất cần những  hướng dẫn về việc truyền thông SKSS cho vị thành niên với vùng dân tộc thiểu số, đặc biệt;  với các nhóm đặc biệt như vị thành niên dân tộc thiểu số là người đồng tính, chuyển giới, người có H. người khuyết tật.

Để  có thể lấp những “ khoảng trống” tồn tại đã quá lâu này, cần thực hiện các hoạt động tập huấn nâng cao kiến thức kỹ năng cho nhân viên y tế xã, huyện về tư vấn SKSS vị thành niên, dịch vụ thân thiện với vị thành niên và tổ chức lồng ghép mô hình dịch vụ thân thiện tại trạm y tế, trường học cho các em; Tập huấn cho các cán bộ y tế tuyến xã, huyện về các nhóm đặc biệt như người đồng tính, song tính, chuyển giới, người có H., người khuyết tật và nhu cầu dịch vụ chăm sóc SKSS của họ;  Thông tin, quảng bá dịch vụ chăm sóc SKSS vị thành niên cho các nhóm đặc biệt; Phối hợp với chính quyền địa để truyền thông lồng ghép về SKSS vị thành niên, giới và hôn nhân và gia đình, đến vị thành niên và người dân tại cộng đồng.

Theo Báo Sức Khỏe và Đời Sống