Chọn ngôn ngữ
EnglishVietnamese
Hotline chăm sóc khách hàng 0906999492
Chọn ngôn ngữ
EnglishVietnamese

Những bất thường ở tử cung có thể gây vô sinh

hiemmuon.vn - Tử cung (hay còn gọi là dạ con) là bộ phận sinh sản quan trọng nhất của phụ nữ.
Tử cung là nơi thai làm tổ, vì vậy khi có sự bất thường ở tử cung không chỉ gây nhiều ảnh hưởng về sinh lý mà còn là nguyên nhân gây nên tình trạng hiếm muộn ở phụ nữ.

     Ở người trưởng thành, tử cung có kích thước trung bình 7,5cm, trong đó thân tử cung dài 5cm còn lại eo và cổ tử cung 2,5cm. Khi có thai, tử cung to dần lên, dung tích lúc bình thường chỉ 5ml nhưng khi thai đủ tháng có thể tới 5.000ml, thậm chí còn hơn nữa. Những bất thường ở tử cung có nhiều loại, có khi là những dị tật bẩm sinh ngay khi còn trong bào thai, có khi là bệnh mắc phải ở tử cung khiến người phụ nữ không thể mang thai. Các bất thường của tử cung có thể gây hiếm muộn cho phụ nữ là:

Những bất thường bẩm sinh
Không có tử cung: Phần lớn những người mắc dị tật này thường kèm theo không có âm đạo nhưng buồng trứng bình thường, do đó đặc trưng về giới tính vẫn phát triển bình thường. Trường hợp này sẽ không có kinh nguyệt và không thể mang thai được. Hiện nay vẫn chưa thể thực hiện được kỹ thuật ghép tử cung nhân tạo.

Tử cung đôi: Hay gặp hơn cả là loại tử cung đôi với các dạng sau đây:

Có 2 tử cung, mỗi tử cung có một cổ tử cung riêng biệt kèm theo 2 âm đạo. Dị tật này gây vô sinh vì khối lượng của mỗi tử cung quá nhỏ. Tuy vậy, cũng có người có thể mang thai, thậm chí khi thì mang thai ở tử cung bên này khi lại ở tử cung bên cạnh.

Có 2 tử cung, 2 cổ tử cung nhưng lại chỉ 1 âm đạo.

Có trường hợp 2 tử cung nhưng lại chung nhau 1 cổ tử cung.

Có trường hợp tử cung một sừng, trên thực tế cũng là loại dị tật 2 tử cung nhưng 1 bị teo đi, chỉ còn lại 1 tử cung với 1 vòi.

Tử cung nhi tính: Đây là trường hợp tử cung kém phát triển, kích thước chỉ bằng tử cung của các bé gái. Có nhiều nguyên nhân có thể gây ra tình trạng này như: cơ thể phát triển không hài hòa, thiếu sự trưởng thành của nhiều chức năng, bất thường về gene, do rối loạn nội tiết (như suy tuyến giáp, suy thùy trước tuyến yên)... Trường hợp có tử cung nhi tính thường kèm theo không có buồng trứng hay không có âm đạo, do đó không mang thai được. Còn những người có buồng trứng hoạt động bình thường thì vẫn có thể có con nhờ kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm. 

Bất thường ở tử cung không chỉ gây ảnh hưởng về sinh lý mà còn có thể gây vô sinh.

Những tổn thương bệnh lý
Tử cung là cơ quan dễ bị tổn thương do các bệnh mắc phải. Khi có bệnh, khả năng thụ thai của chị em sẽ giảm, thậm chí có tổn thương khiến tử cung không mang thai được nữa. Có thể gặp các trường hợp sau:

Tử cung bị dính: Bình thường bên trong tử cung là một khoang rỗng, có lớp niêm mạc bao phủ. Chính lớp niêm mạc này do biến đổi nội tiết theo chu kỳ, hàng tháng bong ra gây chảy máu tạo nên kinh nguyệt. Đồng thời, khi trứng được thụ tinh và di chuyển về buồng tử cung và bám vào lớp niêm mạc này. Trường hợp buồng tử cung bị viêm nhiễm, lớp niêm mạc bị tổn thương làm cho buồng tử cung dính các mặt lại với nhau hoàn toàn (sẽ gây vô kinh) hoặc một phần (gây kinh ít và đau bụng kinh). Những tổn thương này ở niêm mạc tử cung khiến trứng thụ tinh không làm tổ được tại đó gây vô sinh.

Tắc vòi tử cung: Tử cung có 2 vòi, là 2 ống dẫn từ thân tử cung sang 2 bên, tiếp giáp với buồng trứng, thu nhận trứng chín rụng xuống để thụ tinh với tinh trùng của đàn ông (khi giao hợp) trở thành phôi và chuyển dần vào trong lòng tử cung để làm tổ và phát triển thành thai. Bệnh lý dễ gặp phải là do viêm nhiễm từ buồng tử cung lan sang vòi khiến vòi tử cung bị dính, tắc lại nên tinh trùng không thể đi lên và trứng sau khi rụng cũng không thể di chuyển về phía buồng tử cung nên không thể thụ thai. Ngoài ra, vòi tử cung có thể bẩm sinh bị chít hẹp hoặc bị khối u chèn ép, ngăn cản sự di chuyển của tinh trùng và trứng, gây cản trở quá trình thụ tinh.

Tử cung có khối u: Thường gặp là các u xơ tử cung. Các khối u này khi to lên sẽ làm buồng tử cung biến dạng, không thuận lợi cho phôi thai làm tổ. Có khi tuy khối u không lớn nhưng lại ở vị trí sát với lỗ thông lên vòi tử cung gây tắc là trở ngại lớn khiến trứng không thể thụ thai.

Do cổ tử cung: Chất dịch nhày ở cổ tử cung quá ít, kém chất lượng, hay trong chất nhày này có kháng thể kháng tinh trùng làm cho tinh trùng khó sống sót và không thể bơi qua được sẽ làm cho tỉ lệ có thai giảm. Trường hợp khác, cấu trúc của cổ tử cung bị dị dạng hoặc bịt kín do bẩm sinh, viêm nhiễm cổ tử cung, biến chứng xơ hóa cổ tử cung sau điều trị (đốt lạnh hay đốt điện cổ tử cung), nạo thai, sẩy thai, tổn thương cổ tử cung sau sinh cũng có thể gây ra vô sinh.

Khi thấy khó đậu thai, chị em nên đi khám chuyên khoa để làm các xét nghiệm cần thiết mới chẩn đoán được chính xác và có phương pháp điều trị phù hợp.

Nguồn: Sức khỏe & đời sống