Chọn ngôn ngữ
EnglishVietnamese
Hotline chăm sóc khách hàng 0906999492
Chọn ngôn ngữ
EnglishVietnamese

Sa sinh dục, bệnh khó nói...

Hiemmuonvn.com- Sa sinh dục là tình trạng bàng quang, tử cung hoặc trực tràng bị sa xuống trong âm đạo hay nặng hơn là cổ tử cung sa ra khỏi âm hộ. Chứng sa sinh dục không nguy hiểm nhưng ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt và lao động của phụ nữ, đặc biệt là gặp rắc rối trong quan hệ vợ chồng.


Sa sinh dục thường được gọi là sa dạ con hay sa tử cung. Nhưng trên thực tế không chỉ dạ con mà cả bàng quang và trực tràng sa vào trong âm đạo. Trong trường hợp nặng, các tạng trên có thể sa ra ngoài âm hộ.

Tử cung là một bộ phận nằm sâu trong ổ bụng. Nó được giữ tại chỗ bằng lớp cơ và các tổ chức vùng đáy chậu (dàn của phần dưới khung xương chậu), bởi các thành âm đạo và các dây chằng trong bụng và chậu hông. Nếu vì một lý do nào đó, các bộ phận cố định hay giữ tử cung bị giãn, nhão ra và một khi áp lực trong ổ bụng tăng (như khi thở, rặn, ho) và sức nặng của tử cung sẽ đẩy, kéo nó tụt dần xuống thấp gây nên sa sinh dục với các mức độ nặng nhẹ khác nhau.

Hình ảnh sa tử cung.

Chứng sa sinh dục phần lớn gặp ở phụ nữ trong độ tuổi từ 40-60 tuổi. Những phụ nữ sinh đẻ nhiều, đẻ quá sớm, không được đỡ đẻ an toàn và đúng kỹ thuật đều dễ bị sa sinh dục. Những người đi làm quá sớm sau sinh cũng có nguy cơ bị sa sinh dục cao.

Những phụ nữ lao động nặng nhọc, vất vả cũng là đối tượng dễ bị sa sinh dục, nhất là những nữ công nhân, nông dân, lao động tay chân cả ngày phải làm việc ở tư thế đứng, gánh gồng, đội vác nặng vì áp lực ổ bụng lên đáy chậu luôn cao.

Sa sinh dục cũng có thể gặp cả ở phụ nữ chưa sinh đẻ do thể trạng yếu, dây chằng mỏng, tử cung ở tư thế trung gian nên khi có áp lực mạnh trong ổ bụng sẽ đẩy tử cung sa dần xuống. Còn ở những người đã sinh đẻ nhiều lần, các dây chằng yếu, tầng sinh môn rách hay giãn mỏng, dưới sự tăng áp lực lên ổ bụng, thành âm đạo bị sa và kéo tử cung sa theo.

Tùy theo từng người, tùy mức độ sa sinh dục ít hay nhiều, mới sa hay sa từ lâu, sa đơn thuần hay còn có tổn thương phối hợp, có kèm theo sa bàng quang hay trực tràng mà xuất hiện những dấu hiệu thường gặp sau đây: khó chịu, cảm giác tức nặng vùng cửa mình, ở bụng dưới, nhất là khi đứng, nhưng khi nằm thì cảm giác khó chịu đó lại không còn. Đôi khi có cảm giác như muốn rặn đẻ vì các tĩnh mạch ở vùng đáy chậu bị sa sung huyết, đồng thời do áp lực trong thành bụng dồn xuống vùng đáy chậu đã bị suy yếu, hay bị đau vùng thắt lưng.

Khối sa lồi ở vùng âm hộ, tầng sinh môn, ban đầu kích thước khối sa nhỏ, không thường xuyên xuất hiện, chỉ xuất hiện khi lao động nặng hoặc đi lại nhiều, nằm nghỉ thì khối sa tụt vào trong âm đạo hoặc tự đẩy lên được, càng về sau khối sa càng to, sa thường xuyên và không tự đẩy lên được nữa. Khi đó sẽ xuất hiện triệu chứng tức nặng bụng dưới, cảm giác vướng víu khó chịu vùng âm hộ - tầng sinh môn ảnh hưởng đến lao động và sinh hoạt hàng ngày.

Nếu kèm theo sa bàng quang thì có dấu hiệu đi tiểu khó, tiểu dắt, són tiểu khi cười to, khi ho mạnh hay khi bị rùng mình, thường đái không hết nước tiểu nên bàng quang dễ bị viêm gây tiểu buốt. Trong trường hợp sa bàng quang nhiều thì lúc đầu đi tiểu rất khó khăn, phải dùng ngón tay đẩy bàng quang lên trên và vào trong mới đi tiểu được. Đôi khi bệnh nhân phải đến viện vì bí tiểu cấp.

Nếu kèm theo sa trực tràng thì đại tiện sẽ có cảm giác vẫn chưa hết phân ở trực tràng, có thể bị táo bón. Nhiều người bị sa sinh dục nhưng kinh nguyệt vẫn bình thường và vẫn có khả năng có thai. Nhưng những phụ nữ này thường dễ sẩy thai và đẻ non. Chảy máu, khí hư ra nhiều do cổ tử cung viêm nhiễm, cọ xát khiến người bệnh đi lại khó khăn, hạn chế lao động...

Khi thấy có biểu hiện sa sinh dục, chị em nên đi khám để được bác sĩ tư vấn, điều trị phù hợp.

Nguồn: Sức khỏe đời sống